Trang chủ Uncategorized Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi thanh tra thuế?

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi thanh tra thuế?

Đăng bởi My Dung

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi thanh tra thuế? – Doanh nghiệp nào trong quá trình hoạt động đều trải qua các lần kiểm tra, thanh tra thuế. Các lần kiểm tra, thanh tra gây nhiều căng thẳng cho doanh nghiệp, vì vậy thay vì lo lắng, doanh nghiệp hãy chuẩn bị thật kỹ những thứ cần thiết cho cuộc thanh tra thuế. Trước hết cần hiểu rõ kiểm tra thuế là gì?  Thanh tra thuế là gì? Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi thanh tra thuế? Hãy cùng ĐLT Tín Tâm Việt tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.

Kiểm tra thuế là gì? Thanh tra thuế là gì? Kiểm tra thuế và thanh tra thuế có giống nhau không?

Theo khoản 5 Điều 107 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định:

“Việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của người nộp thuế để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật.”

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi thanh tra thuế?

Cụ thể như sau:

Kiểm tra thuế là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế mang tính chất thường xuyên hoặc định kỳ, được thực hiện tại trụ sở cơ quan thuế hoặc tại trụ sở người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế không tự giác thực hiện điều chỉnh, bổ sung sai sót đã phát hiện nhằm kiểm tra các thông tin, đánh giá sự tuân thủ của người nộp thuế theo quy định

+ Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan thuế được thực hiện trên cơ sở hồ sơ thuế của người nộp thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế. Căn cứ vào mức độ rủi ro về thuế của hồ sơ thuế để có kế hoạch kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế hoặc xử lý theo quy định. (Theo Điều 109 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14)

>>> Xem thêm: Quy định về kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế

+ Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan hải quan được thực hiện nhằm kiểm tra, đối chiếu, so sánh nội dung trong hồ sơ thuế với thông tin, tài liệu có liên quan, quy định của pháp luật về thuế, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. (Theo Điều 109 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14)

Thanh tra thuế là hoạt động chỉ được thực hiện tại trụ sở người nộp thuế. Việc thanh tra có thể được lên kế hoạch thực hiện định kỳ đối với một số đối tượng nhất định (ví dụ như các doanh nghiệp có quy mô lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng); thanh tra đột xuất khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế; để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng; theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế; Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền. (Theo Điều 133 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14)

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi thanh tra thuế? 2

Ngay sau đây, ĐLT Tín Tâm Việt sẽ gởi đến các bạn những điều cần biết khi có thanh tra thuế tại doanh nghiệp.

  • Đối với thanh tra có kế hoạch (thường phê duyệt hằng năm) thì doanh nghiệp được thông báo chậm nhất là 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra.
  • Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký, quyết định thanh tra thuế phải được gửi cho đối tượng thanh tra.
  • Quyết định thanh tra thuế phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thanh tra thuế.
  • Đối tượng thanh tra có quyền từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế.
  • Kết luận thanh tra: Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra kèm theo dự thảo kết luận thanh tra và dự thảo quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau thanh tra (nếu có).

Đối với thanh tra thuế đột xuất, công ty thường rơi vào tình thế bị động không kịp lên kế hoạch chuẩn bị. Vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi thanh tra thuế để thuận lợi cho doanh nghiệp nhất?

Hồ sơ Thuế giá trị gia tăng khi thanh tra thuế

  • Doanh nghiệp cần sắp xếp hóa đơn đầu vào và đầu ra kèm chứng từ thanh toán như phiếu thu, phiếu chi, ủy nhiệm chi,.. sắp xếp theo thứ tự thời gian cùng bảng kê, nên chuẩn bị sẵn bảng kê hóa đơn file mềm để sẵn sàng gửi khi cán bộ thuế yêu cầu.
  • Đối với các hóa đơn bị mất bản gốc, cần có bản photo đính kèm theo các công văn báo mất và photo giấy nộp phạt.
  • Các hóa đơn thu hồi, điều chỉnh thông tin cần đính kèm biên bản thu hồi, biên bản điều chỉnh, hóa đơn điều chỉnh.
  • Các hoá đơn đầu vào có giá trị lớn hơn 20 triệu nên đính kèm chứng từ thanh toán photo để tiện giải trình.
  • Chứng từ kế toán cần có đầy đủ chữ ký, đóng dấu,…

Hồ sơ Thuế thu nhập cá nhân cần chuẩn bị khi thanh tra thuế

  • Cần chuẩn bị đầy đủ hợp đồng lao động.
  • Chuẩn bị bảng lương và các chứng từ khác như bảng chấm công, chứng từ thanh toán lương,..
  • Chứng từ khấu trừ thuế đối với các lao động thử việc, hợp đồng khoán việc,…
  • Ủy quyền quyết toán thuế của các lao động quyết toán thuế tại doanh nghiệp.

Hồ sơ về Thuế thu nhập doanh nghiệp khi thanh tra thuế

  • Doanh nghiệp chuẩn bị sổ sách kế toán đã in, ký, đóng dấu và sắp xếp theo thứ tự thời gian.
  • Bảng tính giá thành sản phẩm, dịch vụ,…
  • Hợp đồng mua bán sắp xếp theo thứ tự thời gian, đánh số cho dễ tra cứu.
  • Hồ sơ kèm bản photo chứng từ thanh toán mua tài sản cố định và kế hoạch khấu hao.
  • Hồ sơ ngân hàng (sổ phụ, hồ sơ vay,…).
  • Biên bản kiểm kê kho định kỳ, biên bản kiểm kê quỹ.
  • Các hồ sơ về công nợ như đối chiếu công nợ, xác nhận số dư ngân hàng, công văn đòi nợ, quyết định xử lý nợ khó đòi,…

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi thanh tra thuế? 3

Hồ sơ cần chuẩn bị về Thuế xuất nhập khẩu khi có thanh tra thuế

  • Các hợp đồng mua bán, nên có bản dịch đối với hợp đồng tiếng nước ngoài.
  • Hồ sơ thanh toán quốc tế qua ngân hàng.
  • Hồ sơ, tài liệu liên quan đến hàng hóa như Invoice, CO, CQ,…
  • Tờ khai hải quan nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa.
  • Chứng từ nộp thuế xuất nhập khẩu.

Các hồ sơ, công văn đã làm việc với cơ quan thuế

Doanh nghiệp cần chuẩn bị cách hồ sơ đã làm việc với cơ quan thuế như công văn thông báo, quyết định xử phạt,… để giải trình khi cần thiết.

Qua bài viết, chúng tôi mong rằng các bạn hiểu hơn về kiểm tra thuế, thanh tra thuế và khi thanh tra thuế cần chuẩn bị những gì. Việc hoàn thiện sổ lưu trữ chứng từ kế và sổ sách kế toán sẽ giúp doanh nghiệp luôn chủ động và góp phần hạn chế rủi ro bị xử phạt trước bất kỳ lần thanh tra thuế nào. Cảm ơn các bạn đã theo dõi, chúc các bạn thành công.

Để lại một bình luận