Trang chủ Uncategorized Cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Đăng bởi My Dung

Cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo quan trọng nhất trong hệ thống BCTC, phản ánh tất cả các hoạt động diễn ra hàng ngày của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng đọc được loại báo cáo này. Hãy cùng ĐLT Tín Tâm Việt tìm hiểu về cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong bài viết sau đây.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một phần quan trọng của báo cáo tài chính. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp cho chúng ta toàn bộ thông tin liên quan đến việc luân chuyển tiền (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển) trong kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định tính đến thời điểm lập báo cáo.

Từ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ chúng ta sẽ biết nguồn hình thành dòng tiền và việc chi tiêu chúng ra sao? Từ đó, sẽ có sự điều chỉnh phù hợp và kịp thời để dòng tiền không bị gián đoạn, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nói riêng cũng như báo cáo tài chính nói chung được kế toán lập và cung cấp. Hiện nay, công việc này có thể được thực hiện tự động bằng phần mềm kế toán giúp việc báo cáo nhanh chóng, chính xác hơn, đồng thời giảm bớt khối lượng công việc cho kế toán.

Trong ba hoạt động trên thì hoạt động kinh doanh là hoạt động quan trọng nhất và hoạt động này có hai cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

– Phương pháp trực tiếp;

– Phương pháp gián tiếp.

Sự khác biệt rõ rệt của hai phương pháp này là: Phương pháp trực tiếp đi từ doanh thu, phương pháp gián tiếp đi từ lợi nhuận trước thuế.

Vì là hoạt động quan trọng nhất trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nên với cách lập nào, hoạt động này cũng được sắp xếp trên cùng của báo cáo. Tiếp theo là hoạt động đầu tư và dưới cùng là hoạt động tài chính. Hai hoạt động này chỉ có một cách lập duy nhất.

Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh được phân làm hai loại: Dòng tiền vào và dòng tiền ra.

– Dòng tiền vào: Thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác, thu khác (bao gồm toàn bộ tiền thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dòng tiền này mang dấu (+).

– Dòng tiền ra: Tiền chi cho nhà cung cấp, tiền chi cho người lao động, khấu hao, lãi vay, thuế TNDN, chi khác cho hoạt động kinh doanh. Dòng tiền này mang dấu (-)

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh = Dòng tiền vào – Dòng tiền ra

Nếu:

  • Dòng tiền vào – dòng tiền ra> 0: Doanh nghiệp hoạt động tốt.
  • Dòng tiền vào – dòng tiền ra < 0: Doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng thiếu tiền (hay còn gọi là kiệt quệ tài chính). Nếu không tháo gỡ được sẽ dẫn đến tình trạng phá sản, giải thể.

Lưu ý: Khấu hao ở dòng tiền ra về bản chất, thực tế không làm tăng giảm tiền hiện có của doanh nghiệp. Nó là khoản chi phí phân bổ dần vào trong kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ 2

Hoạt động kinh doanh thường diễn ra thường xuyên, liên tục vì vậy mà nghiệp vụ của hoạt động này tương đối nhiều, phức tạp. Về cơ bản thì số liệu trong hoạt động kinh doanh sẽ phản ánh tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhưng trong một số trường hợp, số liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh này bị làm giả sẽ khó nhận biết và khi đó cần có cái nhìn tổng quan về số liệu trên toàn bộ báo cáo để đưa ra những ý kiến, giả định cho phù hợp.

Các trường hợp có thể bị làm giả số liệu từ hoạt động kinh doanh như: Tăng doanh thu, tăng chi phí, hình thức thanh toán để hợp thức hóa nghiệp vụ kinh tế trong trường hợp này có thể thu, chi bằng tiền mặt hoặc tiền gửi.

Ví dụ, tại một công ty diễn ra đồng thời hai trường hợp làm giả số liệu như sau:

Trường hợp 1: Tăng doanh thu

Doanh nghiệp cần huy động vốn từ việc vay ngân hàng. Để huy động được vốn, doanh nghiệp đã tăng doanh thu bằng cách xuất hóa đơn cho bên mua nhưng trên thực tế không diễn ra hoạt động mua bán.

Để hợp thức hóa đơn, hai bên thống nhất chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Sau đó, bên bán sẽ trả lại bên mua số tiền bên mua đã chuyển tiền nhưng thực tế không mua hàng. Kết quả, doanh thu tăng, tiền tăng trên sổ sách nhưng trên thực tế không thu được khoản tiền này.

Trường hợp 2: Tăng chi phí

Khi doanh thu đẩy lên, chi phí không có sự biến động nhiều điều đó cũng đồng nghĩa với việc đẩy lãi của doanh nghiệp lên. Để giải quyết vấn đề giảm lãi với mục đích giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp lấy thêm hóa đơn đầu vào nhằm tăng chi phí. Bản chất trong thực tế giao dịch này không xảy ra. Để hợp thức hóa đơn, doanh nghiệp thanh toán cho người bán sau đó nhờ người bán chuyển lại tiền. Như vậy, chi phí tăng nhưng tiền không giảm.

Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng được phân làm hai loại:

– Dòng tiền vào: Thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản; thu hồi từ việc cho vay, đầu tư vốn góp; lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia.

– Dòng tiền ra: Chi để mua sắm, xây dựng tài sản, bất động sản; chi cho vay, đầu tư vốn góp vào đơn vị khác.

Hoạt động đầu tư không phải lúc nào cũng diễn ra thường xuyên trong doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp xây lắp hoặc sản xuất, hoạt động này dễ nhận biết bởi việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, công trình, hạng mục công trình thường có giá trị lớn.

Việc đầu tư thường kéo dài trong một khoảng thời gian. Chính vì vậy, nếu dùng cách tính toán lấy dòng tiền vào trừ (-) dòng tiền ra để đánh giá hiệu quả đầu tư sẽ không phù hợp. Trong trường hợp này cần phải dựa vào hoạt động kinh doanh để đánh giá (nếu đầu tư nội bộ, vào chính bản thân doanh nghiệp). Ví dụ như bỏ tiền ra đầu tư vào trang thiết bị máy móc, sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm, mang lại lợi nhuận là bao nhiêu…

Về cơ bản thì số liệu ở hoạt động đầu tư khó có thể bị làm giả, tuy nhiên điều này không có nghĩa là trường hợp này không thể xảy ra. Có điều, nếu xét việc lưu chuyển tiền từ hoạt động này, chúng ta nên coi trọng hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị máy móc hơn là việc làm giả hồ sơ.

Các máy móc trang thiết bị được coi là tài sản cố định nằm trong hoạt động đầu tư đều phải thỏa mãn điều kiện quy định về việc ghi nhận tài sản cố định: Có giá trị lớn và chắc chắn mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai.

Cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ 3

Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính

Dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng được phân làm hai loại: Dòng tiền vào và dòng tiền ra.

– Dòng tiền vào: Thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp, thu từ đi vay.

– Dòng tiền ra: Chi trả vốn góp, mua cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành, chi trả nợ gốc vay và nợ thuê tài chính, chia cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Như vậy, về cơ bản lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính sẽ phản ánh việc thay đổi về quy mô, kết cấu vốn của chủ sở hữu, các khoản nợ của doanh nghiệp. Từ đó sẽ hiểu quy mô doanh nghiệp, định hướng kinh doanh (vay nợ hay không vay, vay nhiều hay vay ít).

Đọc được báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ giúp các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhận biết được cách thức luân chuyển dòng tiền vào, ra của doanh nghiệp. Từ đó sẽ đưa ra những dự đoán và nhận định cũng như có những thay đổi và điều chỉnh phù hợp, kịp thời để dòng tiền được luân chuyển một cách nhịp nhàng, không bị đứt gãy hoặc gián đoạn làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động kinh doanh cũng như kết quả đầu tư. Một doanh nghiệp khỏe mạnh chính là một doanh nghiệp luôn có dòng tiền vào, ra và bao giờ dòng tiền vào cũng cần lớn hơn dòng tiền ra. Dòng tiền như dòng nước chảy, nếu tắc ở đâu cần phải được khơi thông ở đó.

Để lại một bình luận